Rate this post

Huynh ấy nhận chiếc hộp từ tay thư đồng, sau đó cực kỳ có thành ý tạ lỗi, đưa chiếc hộp lại cho ta. Trong sách nói con người là loại động vật có lí trí, mặc dù biết người ta vừa chiêu đãi mình một bàn ăn thịnh soạn, vừa tặng mình bánh của Thanh Mai Lâu, ta ăn không uống không như vậy chỉ vì bị đụng ngã một cái thật không phải phép. Chỉ có điều, ta thật lòng thắc mắc làm cách nào huynh ấy lấy được hộp bánh quý giá này.

Ta nào có khả năng cưỡng lại được sự lung linh, quyến rũ của hộp bánh trong tay huynh ấy. Lí trí trong ta phai nhạt, ta cũng không cách nào từ chối thịnh tình của người ta nên đành vui vẻ nhận.

“Thật ngại quá, huynh đã đãi ta ăn một bữa thịnh soạn, còn tặng ta thêm một hộp bánh. Nhưng ta thật lòng muốn thử bánh của Thanh Mai Lâu nên hộp bánh này ta cứ nhận vậy…”

Ta chợt nghĩ lại, khi bánh của ta rơi mất, ánh mắt những người xung quanh nhìn ta từ ngưỡng mộ thành tội nghiệp, thậm chí còn cười trên nỗi đau khổ của ta. Thế nhưng vị công tử này lại khác, vừa không suy tính thiệt hơn với ta, vừa thật lòng muốn đền bù cho ta chứ không trách ta đi đường không cẩn thận.

Vả lại trông ta cũng không giống không có nổi tiền mua lại hộp bánh mới. Trong lòng ta vô cùng ấn tượng và cảm kích tấm chân tình này.

“… Đúng ra là ta đi không nhìn đường, thế mà lại được huynh chiêu đãi thịnh soạn thế này. Hôm nay có duyên gặp được huynh chính là may mắn của ta, lòng ta vô cùng vui vẻ. Đa tạ huynh đã chiêu đãi, sau này có vấn đề gì ta có thể giúp được huynh cứ tìm đến ta, ta sẵn sàng giúp đỡ hết mình.”

“Hoa cô nương đừng quá khách sáo, đây là vinh hạnh của ta.”

Trước khi rời đi, huynh ấy còn dặn thư đồng đưa ta về tận nhà. Dọc đường đi, mặc dù tính ta ít nói là thế nhưng thư đồng huynh ấy lại trái ngược hoàn toàn, miệng cứ líu ríu suốt. Chính nhờ vậy ta mới biết huynh ấy là thế tử của Minh gia. Minh gia là gia tộc chuyên buôn vải nổi nhất Trường An, không ai là không biết. Ta vốn nghĩ một người tài giỏi như lão gia của Minh gia phải là một đại thúc thúc râu ria xồm xoàm, tính tình khó chịu chứ thế mà lại không phải vậy. Điểm ta ấn tượng nhất chính là ông ấy có tư duy rất tiến bộ, tôn trọng quyền tự chủ trong hôn nhân của các con, không cần phải là nữ quyến của thế gia vọng tộc. Đối với ông ấy thì tình yêu phải đến từ hai phía.

Việc buôn bán tơ lụa ở Minh gia ta cũng không rành lắm. Dù gì gia đình ta cũng không đến mức giàu có như họ, về cơ bản đây là hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Chúng ta cũng chỉ là thương buôn nho nhỏ. Nhưng một chút tin tức về họ ta cũng biết sơ qua. Rất nhiều thương buôn phân phối vải cho họ đều nói giá bán lẻ ra ngoài đắt gấp nhiều lần giá sỉ họ mua được từ Minh gia, thế mà khách mua chẳng những không ít đi mà còn tăng lên. Người ta thường nói cái gì càng đắt càng thu hút người mua, đúng là chẳng sai chút nào.

Nghe nói lão gia của Minh gia lúc còn trẻ là một công tử hào hoa phong nhã. Phong thái, dung mạo, đến cách nói chuyện đã đốn tim biết bao thiếu nữ thời ấy. Thế mà chàng trai phong lưu đa tình như vậy lại cưa đổ được đại tiểu thư Vân gia cao quý ngời ngời, còn vô cùng yêu quý và tin tưởng nhau. Sự tình thế nào ta không rõ lắm, chỉ biết năm đó ông ấy tốn rất nhiều thời gian và công sức mới theo đuổi được cô nương mà mình tâm niệm. Nam nhân chịu bỏ công sức để làm nữ nhân chấp thuận mình thay vì trực tiếp bàn chuyện hôn sự với gia đình họ thật sự hiếm thấy.

Thư đồng đưa ta về đến phủ thì rời đi. Khi ta đã an vị trong khuê phòng mới chợt nhớ đến mục đích chuyến đi này của ta. Chính là thăm dò thị trường thoại bản ở Thịnh An. Chết thật, cái ăn với sắc đẹp đã làm lu mờ lí trí của ta.

Sau khi ngâm nước hoa nhài để tắm, cả người ta thư thái lạ kì, đôi mắt lim dim, mọi suy nghĩ đều hóa thành hư không. Ta ngả lưng trên chiếc giường êm ái của mình, mắt nhìn khắp khuê phòng. Chợt ta lia trúng tập tiểu thuyết trên kệ tủ. Bước đến gần lấy xuống, nhìn đến bìa truyện phủ bụi vì đã lâu không chạm đến, lòng ta trái ngược lại vui vẻ.

Tập tiểu thuyết này là ta viết. Ta ngừng viết câu chuyện này một thời gian vì không nghĩ ra nên viết tiếp thế nào. Cũng không phải ta không thể bịa ra mà chủ yếu là ta cứ thấy nó thiếu thiếu. Theo lời góp ý của tiểu muội thì đích thị là câu chuyện thiếu đi tính chân thực. Quả thật đó là thứ ta cũng không cách nào trải nghiệm được. Thoại bản ta viết chủ yếu về tình yêu, dù ta đi tham khảo rất nhiều tình huống thực tế qua lời kể của các vị tiểu thư mà ta quen biết cũng chỉ có thể viết theo góc nhìn một chiều.

Vấn đề ở chỗ mọi góc nhìn hay suy nghĩ của nam chính đều là ta phỏng đoán. Ta chưa từng mến mộ hay tương tư vị nam tử nào nên vì thế cũng gặp những khó khăn nhất định. Ta nghe được rất nhiều chuyện nhưng thực sự muốn câu chuyện được chạm đến người đọc thì biết thôi chưa đủ, cần phải có cái cảm nữa. Chính là cảm thấy yêu thích và thấu hiểu nhân vật mình viết.

Nếu muốn thì vẫn có thể có cách, chính là đi xem mắt hay đến các buổi yến tiệc … để gặp các vị công tử chưa có hôn phối và tìm hiểu họ. Thế nhưng việc hôn sự là chuyện lớn cả đời người, ta không thể tùy tiện đi xem mắt rồi tìm hiểu một người sau đó lại viện lí do để không tiếp tục gặp gỡ. Ta không vô sỉ đến vậy. Thế nhưng chuyện khiến ta vui nhất chính là hôm nay cuối cùng ta cũng có ý tưởng viết tiếp về nhân vật nam chính.

Ta ngồi bên bệ cửa sổ nhìn ngắm cây Tùng đối diện phòng ta, xa hơn nữa là phòng cha nương ta. Trời đổ cơn mưa xối xả như trút nước, tiếng sấm chớp nối đuôi nhau mà đến như trẩy hội.

Từng hạt mưa nhỏ rồi lại lớn nhảy múa bên hiên như muốn góp phần trình diễn khiến lễ hội thêm đặc sắc. Nhưng cho dù mọi thứ có ồn ào náo nhiệt đến mức nào thì cây Tùng vẫn trầm tĩnh, vững vàng đứng ở nơi ấy làm nhiệm vụ của mình, mặc cho ai nói gì đi nữa…

Nhìn cây Tùng, ta lại nhớ đến ngày chúng ta vừa dọn đến Trường An. Khi ấy cái cây này còn bé tí. Gia gia ta đã trồng nó trong vườn nhà khi chúng ta còn chưa đến sống ở Trường An. Đến khi gia gia mất, cha nương ta chuyển đến Trường An, cũng mang nó theo cùng. Thế nên nó cũng như một thành viên trong gia đình ta vậy. Khi còn nhỏ, việc ta thích làm nhất là ngồi dưới gốc Tùng đọc sách, bày trò cùng bọn đám trẻ cùng thôn. Mũi hít vào hương thơm thanh mát ngọt ngào, tai nghe âm thanh lá hoa khẽ đưa xào xạc, tiếng chim ríu rít trò chuyện cùng nhau, mắt nhìn những câu chữ bay bổng thơ mộng, còn tâm trí ta thì đã bay vút tận phương trời nào để thỏa chí làm kẻ mộng mơ hạnh phúc của chính minh.

Trong khi tâm trí ta vẫn còn treo lơ lửng trên ngọn cây thì xuyên qua gốc cây Tùng to lớn, trong khi vũ điệu trong cơn mưa còn chưa dứt, ta nhìn thấy cha ta từ hướng tiền sảnh đi về phía thư phòng. Thư phòng của cha ta nằm liền kề phòng ngủ của cha nương, thế nên mỗi khi có khách quan trọng nào đến gặp cha, ta đều nghe được rất rành mạch. Mặc dù sự thật là phòng ta cách thư phòng một đoạn hành lang.

Người cha ta ướt sũng, tóc mai bên thái dương dưới sức ép của nước đều phải khiêm tốn nằm san sát cạnh nhau. Bộ y phục mà cha ta rất hiếm khi mặc, nay lại bị nước mưa làm biến đổi màu sắc từ xanh lá mạ sang xanh sẫm.

Trông cha ta có hơi chút bộ dáng chật vật. Điều làm ta ngạc nhiên nhất không phải là lí do vì sao cha ta lại không đem theo ô trong khi ông vốn là người vô cùng cẩn trọng, kiểu cách. Điều ta thắc mắc nhất là vì sao cha ta hôm nay lại khoác lên người bộ lễ phục mà ông luôn xem trọng, do chính ngoại tổ phụ ta đã đặt may riêng khi truyền lại sản nghiệp này cho ông.

Ta không ngăn nổi tính tò mò hết thuốc chữa của mình, bèn lén lút dõi theo, chờ cha ta đã yên vị trong thư phòng, lại một chốc, chủ quản Hi Viên là Phạm thúc (Hi Viên chính là tên tiệm gạo của cha ta) vội vã đội mưa chạy về phía thư phòng. Trong ngực còn cố che chắn thứ gì đó khỏi bị dính ướt bởi nước mưa.

Hôm nay là ngày gì ấy nhỉ, cả cha ta lẫn Phạm thúc đều như hóa ngốc. Trời mưa nặng hạt như vậy mà cả hai người không ai đem ô, cứ như hài tử nằng nặc đòi tắm mưa vậy. Ta bất giác bị chính suy nghĩ ngu ngốc của mình làm cho bật cười. Kì thực ta không biết hai cha con ta ai mới là kẻ ngốc hơn nữa.

Sau khi Phạm thúc đã vào thư phòng, ta lẳng lặng bước ra khỏi phòng, đi vòng qua hành lang bên phải đến thư phòng cha ta. Ta ghé sát tai vào bên vách cửa, cố nghe cho ra câu chuyện quan trọng ấy.

Thư phòng cha ta thật ra làm từ vật liệu cách âm, thế nhưng con người tò mò như ta từ sớm đã phát hiện ra khe nứt trên vách tường là nơi có thể để lọt âm thanh ra bên ngoài, nơi có thể giúp ta thỏa mãn sự ham học hỏi cái mới của mình.

Tiếng mưa rơi lộp bộp bên tai làm ta phải tập trung lắm mới nghe được tiếng động bên trong. Âm thanh đôi hài lộp cộp trên sàn như có ai cứ đi qua đi lại. Tiếng nước thấm đẫm trên y phục không chịu nổi sức nặng của nó rơi tí tách xuống sàn nhà. Tiếng giấy lật mở sột soạt rồi mãi một lúc như tưởng chừng sự im lặng kéo dài mãi, ta chợt nghe cha ta lên tiếng:

“Nếu quả thật có chuyện này, đây ắt hẳn là cơ hội của chúng ta. Nhà họ nổi tiếng làm từ thiện rộng rãi, một hợp đồng làm ăn mỗi năm một lần của họ còn hơn cả mấy chục vụ mua bán cả năm gộp lại. Tuy luật thi đấu các vòng chưa công bố nhưng lần này chúng ta phải chuẩn bị thật tốt. Ngươi mau chóng kêu người chuẩn bị loại gạo tiêu biểu nhất, ngon nhất của chúng ta thật chu đáo để kịp thời gian thi đấu. Vụ này cạnh tranh chắc chắn rất khốc liệt nên không được để xảy ra bất kỳ sai sót gì. Mau gấp rút chuẩn bị, mai ta sẽ tận tay kiểm tra cẩn thận.”