Rate this post

Chuyện thăm dò tin tức này muốn có kết quả ngay e rằng là không thể nào, ta cũng không thể phụ thuộc hoàn toàn vào việc này, chẳng may không nhận được tin tốt như ta dự tính thì e rằng khó lòng trở tay kịp.

Chẳng phải còn hai loại gạo khác cần chế biến sao. Ta nghĩ kỹ rồi, lúa mỳ Tây Vực so với cơm hay cháo thì thích hợp để chế biến bánh kếp hơn. Loại lúa mỳ này về cơ bản có hơi thô một tí, màu ngà, thi thoảng còn có thể trông thấy phần vỏ cám, để chế biến thành món bánh kếp truyền thống cũng là một loại khó khăn.

Bánh kếp truyền thống của Thịnh An kỳ thực chỉ là một loại bánh có lớp vỏ giòn, kẹp lấy phần nhân thịt bên trong, vỏ giòn nhưng không dễ vỡ, có thể ôm trọn lấy phần nhân bên trong một cách trọn vẹn, được ăn kèm cùng nước chấm chua ngọt cùng củ cải chua vô cùng thích hợp với mùa hè oi bức thế này.

Phần vỏ bánh thông thường làm từ bột lúa mỳ mềm hơn loại dùng để thi đấu một chút. Ta từng thử làm bánh kếp với loại lúa mỳ này nhưng vì quá nhiều lớp vỏ cám, bột khá cứng nên độ kết dính thấp, độ hấp thụ nước của bột cũng khá cao khiến lớp bánh sau khi chiên lên vừa cứng vừa vỡ vụn lòi cả phần thịt bên trong ra ngoài.

Ta tìm hiểu qua một vài tập sách du ký phương Tây cũng từng nghe nhắc đến một loại lúa mì khá tương đồng với loại của Tây Vực, cách chế biến cũng khá đa dạng. Ta nghĩ bản thân có thể dựa vào đó để tham khảo thêm một chút cách khắc phục nhược điểm của loại bột hiện tại.

Phần nhân ta cũng sẽ thay đổi một chút, lần trước ta từng được ăn một món bánh kếp vô cùng ngon với cách làm vô cùng đơn giản. Đối với dân tị nạn mà nói, ăn no còn quan trọng hơn ăn ngon gấp nhiều lần.

Nhân chắc chắn phải nhiều thịt, nhưng chỉ mỗi thịt thì món ăn sẽ không đủ dinh dưỡng vì vậy ta đã nghĩ ra một cách, cho vào phần nhân một ít rau củ nghiền nhuyễn, tỉ như củ cải, ngô hay hạt sen. Củ cải ngâm sẽ được cho trực tiếp vào phần nhân vì thực tế mà nói, việc cầm theo một chén nước chấm để ăn cùng bánh kếp nghe không được hợp lý lắm.

Phần gạo tẻ thông thường ngược lại chế biến vô cùng đơn giản, rất thích hợp nấu cháo. Mùa này hoa sen nở rộ, ngô cũng đang vào mùa thu hoạch, có thể nấu món cháo ngô hạt sen. Quan trọng là trước khi nấu, gạo cần được vo thật sạch, rang sơ dưới lửa nóng để hạt gạo săn chắc, đến khi chín cháo sẽ không bị bở.

Cho nước ngâm hạt sen vào gạo đã rang, nấu trên lửa nhỏ, lót lá sen dưới nắp nồi, đến khi gần chín lại cho hạt sen và hạt ngô vào nấu thêm một tí, đến khi dùng lại cho một ít gia vị nêm nếm vừa phải là đại công cáo thành.

Thật ra việc nấu nướng không quan trọng quá vào kỹ thuật, mà quan trọng là nguyên liệu và sự phối hợp giữa chúng. Vì tính chất đặc biệt của kỳ thi, cũng không thể sử dụng quá nhiều nguyên liệu và đặc biệt không thể dùng nguyên liệu quá quý giá và đắt tiền, thế nên ta muốn tập trung vào phần lựa chọn nguyên liệu.

Ngoại trừ 3 loại gạo các bên đã nộp lên cho vòng thi chất lượng, các bên chỉ có thể thêm 3 nguyên liệu khác vào món ăn cho vòng thi nấu ăn tiếp tới, không kể gia vị.

Vậy nên ba loại nguyên liệu ta dự định thêm vào là hạt sen, củ cải và ngô. Vấn đề khó khăn nhất hiện tại là phần vỏ bánh kếp và cách chế biến món cơm với loại gạo khó còn lại.

Trời dần ngã về chiều, bầu trời kinh thành Thịnh An mây đen lũ lượt kéo đến. Những đám mây trĩu nặng như tích nước. Cơn gió cuồng bạo từ phía Đông kéo đến khiến bao nhiêu nước mưa tích tụ mấy hôm nay ào ào chảy xuống. Dân chúng trong thành không kịp trở tay, người thì gấp rút trở về nhà, kẻ thì bận rộn đi tìm chỗ trú. Cảnh tượng phải nói là vô cùng rối loạn.

Còn ta, người đáng lẽ giờ này đã được nằm trong chăn ấm nệm êm thưởng thức mấy món ta dành cả ngày trời để nghiên cứu chuẩn bị, thì lại đang luống cuống tìm chỗ tránh mưa. Trên người ta chẳng có chỗ nào mà không ướt, đúng là không kịp phòng bị.

Chuyện này phải kể lại từ một canh giờ trước, khi ta đương chờ nhà bếp chuẩn bị món cháo ngô hạt sen theo ý mình, ta chợt nhớ đến có một nơi có thể có thứ ta cần cho lớp vỏ bánh kếp.

Chẳng là sư phụ ta có nhắc đến người quen của người là Trung Lương Giáp, ta cũng tò mò không biết người này có thể giúp được ta trong vấn đề này không, bèn cùng tiểu Trúc và tiểu Y lên đường đi tìm vị sư phụ này.

Ba người bọn ta đi chưa được nửa đường, trời bỗng đổ mưa tầm tã. Tiểu Trúc lúng túng cởi áo khoác ngoài che mưa cho ta. Ta nhìn trái nhìn phải cũng không thấy nơi nào có thể trú mưa được.

Đang lúc bối rối không biết làm sao, cả người ướt như chuột lột, thì tiểu Y nhanh tay lẹ mắt tìm được một căn nhà nhỏ nằm khuất trong một con hẻm nhỏ.

Nếu các nàng cảm thấy vui vẻ khi đọc truyện của ta, hãy cho ta 1 like hoặc 1 comment để ta có thể hiểu các nàng nhiều hơn như cách các nàng dần dần hiểu rõ hơn nhân vật của ta vậy. Ta luôn luôn vui lòng đón nhận mọi lời khen chê mang tính tích cực khích lệ của các nàng.