Chợ cá nơi thằng Văn ở là khu chợ bình dân. Cách đó không xa là khu chợ trung cấp, chuyên bán những hải sản chất lượng cao cho tầng lớp trung lưu. Cá thu 1 sừng cũng được bán tại đây. Đi vào sâu hơn bên trong khu chợ trung cấp, là một cửa hàng vô cùng rộng lớn, chuyên bán các thực phẩm xa xỉ, không chỉ hải sản trong Hải Thành, mà còn bán mọi mặt hàng nhập về từ khắp cả nước. Khách của cửa hàng này vốn không hề tầm thường, đều là những nhân vật, gia tộc vô cùng danh tiếng, cao nhất có thể kể tới Thứ sử của cả thành phố.
Một chiếc xe phóng ngang qua cửa hàng. Nhìn chiếc xe cũ kĩ và tồi tàn khiến dân khu chợ không hề ấn tượng, nhưng nếu có kẻ nào sành sỏi, hẳn nhận ra chiếc xe này đáng giá cả 1 gia tài, thậm chí đối với những gia tộc hiển hách trong thành phố cũng phải trân quý. Một gia tài như vậy, lại tồi tàn cũ kĩ, như thể chủ nhân cố tình, hoặc là chẳng bận tâm.
Trong xe có 2 người, một người tài xế và một người đàn ông ngồi ở ghế sau. Ông ta mặc một bộ đồ vô cùng phổ thông, hơi nhàu, ngồi ngả người, tay chống lên miệng, nhìn bâng quơ đường phố. Ở ông ta toát ra một phong thái tự nhiên, nhàn hạ nhưng ẩn trong đó lại có chút gì căng thẳng, khẩn trương. Ông ta nhìn qua biển hiệu cửa hàng.
– Cậu này, cho mình xuống đây một chút. Mình muốn mua vài thứ.
Gã tài xế liếc nhìn cửa hàng sang trọng bậc nhất thành phố này, nheo nheo mắt sau chiếc kính râm.
– Anh có chắc không? Cái cửa hàng hạ cấp này á?
– Ha ha, cậu cứ cho mình xuống đây đi. À mà chốc nữa mình đi bộ được rồi, cậu chờ mình phía ngoài nhé.
Gã tài xế đáp 1 tiếng. Vừa rồi chỉ là 1 câu cảm thán, với kẻ đã theo hầu ông chủ nhiều năm, 1 câu cảm thán vẫn là có thể chấp nhận giữa 2 người. Nhưng những việc mà ông chủ làm, cậu không tò mò, cũng không có quyền hạn để tò mò.
Người đàn ông bước xuống cửa hàng. Nhân viên nhìn ông ta với một cặp mắt dò xét. Bộ áo nhàu nhĩ xuềnh xoàng rõ ràng không hứa hẹn khách hàng danh giá. Đón nhận ánh mắt của mấy nhân viên, người đàn ông cười cười, không bận tâm, bước khoan thoai tới cửa. Quản lý nhà hàng là một tay lõi đời, khác hẳn những nhân viên, hắn tươi cười chạy ra tiếp đón. Ngày còn là chạy bàn, hắn đã bị một cú nhớ đời về thái độ của mình rồi, không nên nhìn mặt mà bắt hình dong. Hơn nữa, hắn tự tin rằng bất cứ thành phần nào mình cũng có thể tiếp chuyện.
– Thưa ông, ông cần gì không ạ?
– À, mình đi chợ. Hàng mình hôm nay có gì độc đáo không?
Tay quản lý cười toe toét. Hắn biết mình vớ được khách sộp rồi. Sáng hôm đó, Văn đi tới trường. Chị Thanh ở nhà đang giặt giũ. Hôm nay chị được nghỉ. Nhìn con mình chăm chỉ đi học như vậy chị thấy mình như có thêm rất nhiều sức khoẻ. Chị vừa giặt giũ phía đầu nhà vừa ngâm nga hát. Ánh nắng buổi sáng hắt lên mái tóc chị, óng ánh. Mùi xà phòng át cả mùi tanh tưởi nơi phố chợ. Góc sân này ngập nắng, dường như không còn bất cứ tiếng ồn ào nào, chỉ còn chị và tiếng hát. Đó là một bài hò rất cổ xưa ngày nay chỉ còn phổ biến tại Kinh đô.
“~Thành quách ngàn năm cũng tiêu vong. Chỉ còn lại đây khách má hồng. Thương hải tang điền ai biết trước…”
“…Một đời hội ngộ cũng bằng không~.” (1)
Chị Thanh giật mình. Câu hát này, giọng hát này. Chị ngẩng đầu. Trước cửa ngồi nhà chật hẹp, tựa bên cạnh là một người đàn ông. Ánh nắng chiếu xuống lộ ra gương mặt nhu hoà đang nhìn xuống chị. Tay trái xách theo một chiếc túi bóng.
Phố chợ buổi sáng, người qua kẻ lại tấp nập, nhưng không ai chú ý tới người khách lạ. Gian nhà nhỏ chỉ 10m2, kê một chiếc bàn ọp ẹp, một cái giường, và một tủ sách. Hắn bước tới tủ sách. Tủ sách không cao, hắn cúi xuống nhìn, có vài chục quyển sách, hầu hết đều là văn thơ cổ, rồi truyện cổ tích, văn học kinh điển quốc tế. Sách cũng đã cũ sờn, nhưng tủ sách này cũng đã là thứ giá trị nhất trong cả căn nhà. Người đàn ông nhìn những tựa sách, như nhớ lại điều gì. Trong mắt hắn có chút gì như là thương cảm, nhưng phần nhiều, lại là không thể hiểu.
– Tại sao? – Hắn hỏi.
Chị Thanh yên lặng không trả lời. Chị đang phơi quần áo. Người đàn ông lại hỏi tiếp:
– Có đáng không?
Chị hơi khựng lại, lặng im một lúc, quay đầu lại, nhìn thẳng vào mắt gã:
– Vì thằng Văn, mọi thứ… đều đáng.
Khó tả nổi biểu cảm của người đàn ông lúc ấy. Hoang mang, mờ mịt, cay đắng, chỉ thoáng qua rất nhanh.
– Văn là người nối dõi của Vương tộc ta. Ta đã có thể cho nó mọi thứ, giúp nó trở thành cường giả tuyệt thế, khí phách trấn áp toàn bộ bốn phương. Để nó phải sống như vậy, nàng… cam lòng sao?
Chị Thanh quay đầu đi, chị nhìn qua song sắt cửa sổ đã han gỉ, nhìn khu chợ cá hôi tanh xụp xệ, một lúc sau chị quay lại nhìn thẳng vào đôi mắt gã.
– Ngài có thể cho nó, tình yêu thương của một người cha chăng?
Im lặng.
Chị Thanh khẽ lắc đầu.
– Ngài hãy về đi. Nếu ngài tới đây với tư cách cha của thằng Văn, tiện nữ có thể mời ngài dùng cơm. Nếu ngài tới đây với cương vị của ngài, tiện nữ xin thứ tội, nhà tranh vách đất khó có thể đón tiếp quý nhân. Con trai của tiện nữ chỉ là một đứa trẻ bình thường, tiện nữ không mong nó làm nên đại nghiệp, chỉ mong nó trưởng thành có đủ cảm xúc của một con người…
Đáy lòng hắn có chút gì, hắn không rõ. Hắn có điều muốn nói, mà không nói ra được. Hắn có những cảm xúc muốn biểu lộ, nhưng hắn không thể biểu lộ ra. Im lặng một hồi, hắn đành bước ra ngoài. Chợt, hắn quay đầu lại:
– Ta, ta có ghé qua chợ, nàng… nàng nấu bữa tối cho Văn…
Chị Thanh nhìn hắn, ánh mắt lạnh tanh. Chị đã định từ chối. Nhưng nhìn ánh mắt hắn, đáy lòng của chị lại trào lên một chút gì. Ánh mắt hắn lạnh lùng, nhưng nhìn sâu vào trong đó, chị lại cảm thấy một chút gì không rõ ràng, dư vị của những ngày xưa cũ.
Chị đưa tay ra nhận lấy chiếc túi.
Người đàn ông quay đầu bước đi. Bóng lưng hắn đi qua khu chợ đông đúc chen chúc chật chội, mà cảm giác như sự chen chúc hỗn loạn ấy tách biệt với hắn. Dần dần, hắn đi khuất.
Chị Thanh nhìn bóng lưng hắn. Nhìn vào miếng thịt hắn đã mua. Chị nhớ lại những ngày cũ, hắn cũng không ngại thân phận nam nhi, xắn tay áo đi chợ, giặt giũ, làm việc nhà lúc chị mang thai. Hắn đã nói rằng, hắn mong cả đời này có thể chăm sóc chị như vậy, không màng tới thế sự. Là hắn đã thay đổi, hay vốn dĩ hắn vẫn là hắn, là kẻ chưởng khống một phần ba thế giới này…
Đáng lẽ vẫn có thể ở lại dùng một bữa cơm mà, chị lẩm bẩm.
————
(1) Lấy ý từ bài “Long Thành Cầm giả ca” của Nguyễn Du: “Thành quách suy di nhân sự cải. Kỉ độ tang điền hoá thương hải. […] Tây Sơn cơ nghiệp nhất đán tận tiêu vong. Ca vũ không lưu nhất nhân tại.”