– Mình chuyển nhà thật hả mẹ?
– Đúng vậy. Giờ mẹ con mình ở trong nhà hàng luôn.
– Thế nhỡ sau này mẹ không làm ở nhà hàng nữa thì sao ạ?
– Thì mẹ con mình lại tìm chỗ ở khác.
– Lúc đấy mình lại về đây được không ạ?
Chị Thanh nhìn con.
– Con thật sự thích ở đây sao?
Văn nhìn quanh ngôi nhà, giờ đã được dọn trống trơn. Nó không biết nữa. Chỉ nhớ, từ khi biết nhận thức, nó đã ở trong ngôi nhà này. Ngôi nhà tranh, có chút nhỏ, chật hơn so với những ngôi nhà hàng xóm, nhưng nó chưa bao giờ thấy quá chật chội. Trẻ con, nhìn mọi thứ, luôn thấy to lớn hơn người lớn.
– Dọn đến nhà hàng, sẽ rộng rãi hơn ở đây rất nhiều. Con cũng có phòng riêng. Con trai lớn rồi, cũng không thể ngủ cùng mẹ mãi được.
Nó không biết phòng riêng là thế nào. Liệu có giống như 2 ngôi nhà khác nhau không nhỉ? Hay chỉ như 2 phòng học mà thôi.
Mẹ nó nhắc nó dọn đồ. Đồ đạc của nó cũng không có gì nhiều. Chỉ có vài bộ quần áo, một cuốn giáo trình, một cuốn sách do Linh tặng, và một cái tò he.
Cái tò he này, nó được cho từ 3 ngày trước, mẹ bảo đem lên hơ lửa, sẽ giữ được lâu. Hơ lửa xong, nó cứng như đá vậy. Nó hỏi mẹ, có ăn được không, mẹ bảo, lỡ có phẩm màu công nghiệp thì chết, tốt nhất là đừng ăn. Vậy là nó giữ lại chơi.
Mẹ cũng không có nhiều đồ đạc. Chủ yếu là sách. Mẹ cất vào một cái túi to đùng, đã cũ sờn, mà mẹ gọi là vali. Hai mẹ con bước ra ngoài.
Thằng Văn nhìn lại ngôi nhà này lần cuối. Nó đã nghĩ rằng cả đời mình sẽ sống tại ngôi nhà này. Một nơi đã quá quen thuộc với nó. Khi nó đi học về, nó về lại đây. Khi nó đói, nó lại về đây. Khi nó bị bạn bè bắt nạt, nó chạy về đây. Khi buồn ngủ, nó lại về đây. Khi nhớ mẹ, nó cũng lại về đây. Khi nó bị mẹ đánh, mẹ cũng lôi nó về đây. Khi mẹ cõng nó về nhà, cũng lại ở đây.
Những đêm thức trắng học bài, có hai mẹ con, và cái đèn dầu. Cũng là dưới mái nhà này. Những chiếc bánh sinh nhật, những lời hát ru, những câu chuyện cổ tích. Từ bé tới giờ, thế giới quan mà nó cảm nhận, mà nó tưởng tượng ra, mà nó ước ao, đều gắn với ngôi nhà này.
Có thể sau này lớn lên, nó sẽ đi nhiều nơi, nó sẽ ra biển, bơi đến những vùng đất xa xôi, nó sẽ tới Long Thành, nó sẽ ra nước ngoài, đến nhiều nơi xa lạ mà nó chỉ được nghe kể. Nhưng toàn bộ tiềm thức của nó, đều không rời khỏi ngôi nhà này.
Rồi nó nhìn qua chợ cá. Nhìn phố cảng. Mẹ dắt nó đi. Đây là nhà bà Ba bán bún. Thỉnh thoảng mẹ nó lại nhờ nó đi mua. Ăn bún ngon hơn ăn cơm. Chỗ này bán kẹo. Chỗ này là nhà thằng Tèo. Đã lâu lắm rồi nó không chơi với thằng Tèo. Có lẽ, cũng không còn cơ hội nữa. Đây là nơi bán bánh gato đầu ngõ. Bánh rất ngon. Đó là thứ bánh duy nhất mà nó từng được ăn…
Hai mẹ con đi tới bờ biển. Biển vẫn xào xạc. Qua tháng 7, con nước êm dịu xuống. Không còn Khuyết Nguyệt Triều, lại chưa tới Mãn Nguyệt Triều. Biển rất bình yên. Những con thuyền lớn vẫn đang neo ngoài xa. Đi qua bãi biển vắng, nó nhìn thấy con thuyền nhỏ đang dập dềnh ngay gần bãi cát. Ông bác vẫn chưa ra khơi. Liệu, sau này, khi nó lớn, ông bác có còn ở đây nữa không? Để còn dẫn nó ra biển…
Rất nhiều thứ quen thuộc, trôi qua. Hai mẹ con dắt nhau đi.
Lần này, sao lạ lùng tới vậy. Cứ như thể, ngày hôm nay, nó sẽ không bao giờ quên.
Thứ cảm giác khó chịu dâng lên trong lòng, là gì vậy?
Một số người quen tới tiễn đưa mẹ con nó. Mọi người vỗ vai mẹ nó, nói những lời an ủi, động viên. Nhiều người khóc, nó thấy mẹ nó cũng khóc.
Nó cũng chợt muốn khóc.
Chỉ là chuyển nơi ở mà thôi, cũng không xa nơi đây, nếu muốn, nó có thể quay lại đây bất cứ lúc nào.
Nhưng mà, quay lại, so với trở về, không hề giống nhau. Không hề giống nhau một chút nào.
Ra đi, tức là không thể trở về nữa.
Nó muốn quay lại, nhìn một lần cuối, phố chợ này, nhưng không dám. Liệu sau này mình có hối hận vì đã không quay đầu lại nhìn một lần chăng? Để hình ảnh hôm nay in sâu vào tâm trí mình? Liệu sau này, khi quay lại đây, vẫn là khung cảnh ấy, nhưng lại không phải là nó nữa. Sau ngày hôm nay, mọi thứ nơi đây, đều không phải là “của mình” nữa.
Nhà của mình.
Khu phố của mình.
Hàng xóm của mình.
Bãi biển của mình.
Không còn nữa. Sự mất mát này, vốn đâu phải là mất mát, vậy mà vẫn cứ là mất mát. Đôi khi, có những thứ vẫn còn đó, mà đối với riêng ta, lại không còn nữa.
Sự hụt hẫng này, nên diễn tả thế nào?
Không lời có thể diễn tả. Có lẽ, chỉ bằng dòng nước mắt.